Rác thải trên vịnh Nha Trang chủ yếu từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và ở vùng ven, nhất là khu vực sông Cái và sông Quán Trường. Khu vực cồn Nhất Trí ở cửa sông Cái, phường Vĩnh Phước, có mật độ dân cư rất đông nhưng các phương tiện không thể vào thu gom rác thải, do đường chật hẹp. Trong khi đó, nhiều người dân ở đây làm nghề đi biển có thói quen vứt rác xuống sông Cái, khi có mưa lũ rác trôi ra biển.
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang đã đầu tư 2 tàu vớt rác trên sông Cái và sông Quán Trường. Bình quân đơn vị này thu gom khoảng 240kg rác thải/ngày ở mỗi khu vực sông. Đối với khoảng 4,5 tấn rác thải/ngày của 172 hộ nuôi trồng thủy sản trên vịnh Nha Trang, phần lớn lượng rác này đã được thu gom, do các hộ tuân thủ giao rác cho đơn vị chức năng.
Đối với các đảo có các dự án được tỉnh giao đất, cho thuê đất để làm du lịch, chủ đầu tư đã ký hợp đồng thu gom rác thải với các đơn vị chức năng. Ở các đảo có nhiều hộ dân sinh sống, chính quyền địa phương tổ chức thu gom và xử lý rác thải. Điển hình là xã đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh có hơn 1.000 hộ và thường đón nhiều khách du lịch.
Mỗi ngày, địa phương này có từ 2 - 3 tấn rác thải nên việc thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Theo ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã đảo Cam Bình, địa phương đang được đầu tư xây dựng lò đốt rác với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm 2017. Địa phương cũng cần được hỗ trợ kinh phí để xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường.
Chính quyền địa phương và các đoàn thể trong tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền để người dân thu gom và đổ rác đúng nơi quy định, đồng thời phát động các chiến dịch làm sạch bờ biển các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và các đảo. Đối với các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa, tỉnh yêu cầu phải gắn thiết bị thu gom nước thải, chất thải và tập kết vào đất liền để vận chuyển đến nơi xử lý đúng quy định.
Theo: Thông tấn xã Việt Nam